Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Gói 50.000 tỷ: Chỉ là chiêu “đánh động” thị trường?

Gói 50.000 tỷ: Chỉ là chiêu “đánh động” thị trường? 

Việc giải ngân gói tín dụng 50.000 tỷ đồng phụ thuộc vào tốc độ thẩm định của ngân hàng và các dự án được giải ngân. Với các doanh nghiệp mạnh, khả năng tiếp cận vốn không hề khó. Tuy nhiên, đây lại là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính còn đang gặp khó khăn.

Vào chiều ngày 25/3/2014, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức buổi họp báo về "Tổ chức phát triển thị trường ngành xây dựng chuyên nghiệp". Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản cũng được giới thiệu qua buổi họp này.


Gói tín dụng thương mại 50.000 tỷ đồng dưới hình thức liên kết giữa nhà đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng vật liệu xây dựng và ngân hàng nhằm phục vụ cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chung cư xã hội hóa, nhà ở. Theo một số chuyên gia gói tín dụng này là đòn bẩy giúp thị trường bất động sản vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên tại buổi giới thiệu gói tín dụng, lãnh đạo VNCB chỉ đưa ra mô hình chuỗi cung ứng có sự tham gia của 4 đơn vị trên chứ không đưa ra cụ thể các yếu tố như: điều kiện cho vay, lãi suất, thời gian vay... của gói tín dụng này.

Hiện nay, các gói tín dụng hỗ trợ đã không còn quá mới với các ngân hàng, việc triển khai và đi vào thực hiện đã được tiến hành trong khoảng thời gian khá dài, tuy nhiên các ngân hàng độc lập vẫn chưa có sự liên kết với nhau, sự gắn kết giữa ngân hàng với chủ đầu tư, nhà thầu… vẫn còn khá rời rạc. Do vậy, gói tín dụng 50.000 tỷ cũng chỉ là gói tín dụng thương mại đơn thuần chứ chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng đưa thị trường bất động sản vượt qua thời kỳ khó khăn.

Tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng còn quá lớn

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Trịnh Đình Dũng, tính đến cuối tháng 2/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản vẫn đang ở mức 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng (1,87%) so với tháng 12/2013.

Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng. Tồn kho nhà thấp tầng còn 13.516 căn, tương đương 24.029 tỷ đồng. Tồn kho đất nền nhà ở là 9.119.001 m2, tương đương 33.880 tỷ đồng.

Đất nền thương mại hiện tồn 2.001.904 m2, tương đương 6.198 tỷ đồng. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Xây dựng mới chỉ dựa trên báo cáo của các chủ đầu tư dự án, nếu xét cả tồn kho tại các nhà đầu tư thứ cấp, nhỏ lẻ thì giá trị tồn kho bất động sản sẽ còn lớn rất nhiều lần so với con số 92.690 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đưa ra.

Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng... lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Riêng 4 doanh nghiệp kinh doanh sắt thép lớn hàng tồn kho đã lên đến 5.465 tỷ đồng. Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen hiện còn 1.378 tỷ đồng, gang thép Thái Nguyên (Tissco) là 1.060 tỷ đồng, thép Việt - Ý còn 891 tỷ đồng, thép Pomina tồn kho còn 2.136 tỷ đồng (báo cáo tháng 06/2013).




Tình hình của các doanh nghiệp xi măng cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Tính đến thời điểm 31/12/2013, tồn kho của xi măng Hà Tiên là 986 tỷ đồng, xi măng Bỉm Sơn còn 476 tỷ đồng, xi măng Bút Sơn 384 tỷ đồng, xi măng Hoàng Mai 329 tỷ đồng… Thống kê qua 4 doanh nghiệp xi măng, lượng tồn kho đã lên đến 2.175 tỷ đồng. Nếu xét toàn ngành sản xuất xi măng thì lượng tồn kho sẽ là rất lớn.

Thực tế gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng

Theo đó, tính đến ngày 15/2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466.5 tỷ đồng, các ngân hàng đã giải ngân cho 11 doanh nghiệp với số tiền là 536.5 tỷ đồng.

Đối với hộ gia đình cá nhân, 5 ngân hàng đã cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550.5 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến nay, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được gần 4%. Dù tiến độ giải ngân có cải thiện nhưng vẫn rất chậm so với kỳ vọng đặt ra trước đó, giải ngân chậm nhất trong vòng 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013.

Gói 30.000 tỷ là gói vay ưu đãi dành cho người thu nhập thấp và nhà ở xã hội, gói hỗ trợ này đi cùng với chương trình nhà ở quốc gia. Đây được coi là gói tín dụng thiết thực, giúp người có nhu cầu nhà ở thực tế, vậy nhưng tốc độ giải ngân nguồn vốn còn chậm.

Gói 50.000 tỷ đồng là gói tín dụng thương mại bình thường, tốc độ giải ngân phụ thuộc vào 2 yếu tố: Thứ nhất là tốc độ thẩm định của ngân hàng và thứ hai là phụ thuộc vào các dự án được giải ngân.

Vì vậy cũng như các gói tín dụng thông thường khác. Gói tín dụng này vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc về điều kiện cho vay như tài sản thế chấp, khả năng trả nợ…

Do đó, với các doanh nghiệp có thực lực tốt, doanh thu và ngành hàng ổn định thì khả năng tiếp cận nguồn vốn hiện nay không khó. Đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dự án tốt nhưng không có tài sản để thế chấp hoặc đã thế chấp tại ngân hàng khác, liệu các ngân hàng có thể tiệp tục bảo lãnh tín dụng để tiếp tục hoàn thiện dự án?
 
THÀNH VŨ

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHƯƠNG ÁN TÔN VÀ PHỤ KIỆN